FLASH NEWS:

45% diện tích đất phát triển dự án tại Thủ Thiêm được phê duyệt thông qua hợp đồng BT

Tapchiduan- Cách thức phổ biến nhất để tiếp cận quỹ đất tại Thủ Thiêm từ Chính phủ là thông qua hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Hiện 45% tổng diện tích có thể phát triển đã được chính thức phê duyệt thông qua hợp đồng BT, theo báo cáo "Thủ Thiêm - thời điểm vàng" JLL Việt Nam vừa công bố.

Cũng theo báo cáo này, hiện khoảng 71% số lô đất tại Thủ Thiêm đã được chính thức phê duyệt, chiếm 67% tổng diện tích có thể phát triển và 81% tổng diện tích sàn.

 

45% diện tích đất phát triển dự án tại Thủ Thiêm được phê duyệt thông qua hợp đồng BT

 

Quy hoạch sử dụng đất  tại Thủ Thiêm

Trong đó, Đại Quang Minh là nhà đầu tư đang triển khai một loạt những dự án lớn về hạ tầng lẫn khu dân cư thông qua hình thức BT.

Về đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp này sẽ xây dựng 4 tuyến đường chính gồm đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn và đường châu thổ qua khu lâm viên sinh thái phía Nam, cầu Thủ Thiêm 2 và cầu đi bộ. Dự án đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm (quy mô khoảng 20ha) và công viên bờ sông (khoảng 9ha) hiện đang được nhà đầu tư triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1:500.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đã được nhận khoảng 90.000 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây dựng nhà ở) và 6.000 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng cho thuê), trả tiền thuê đất một lần cho toàn thời gian thuê.

Đổi lại, CII sẽ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Công ty Cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt cũng đã được UBND Thành phố cho phép nghiên cứu đề án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối khu đô thị Thủ Thiêm và đường Nguyễn Văn Linh, quận 7.

Ngoài hình thức BT, các nhà đầu tư có thể tiếp cận quỹ đất Thủ Thiêm thông qua hình thức đấu thầu. Năm 2011 chính quyền thành phố bắt đầu đấu thầu các lô đất đầu tiên. Tính đến năm 2016, 10% diện tích đất có thể phát triển đã được chuyển giao thông qua quá trình đấu thầu cho các tập đoàn khác nhau, chủ yếu là các nhà đầu tư quy mô lớn.

Theo thông báo từ Ban quản lý Thủ Thiêm, 16% trong tổng diện tích có thể phát triển sẽ được mời thầu trong thời gian tới đây, đáng chú ý nhất trong kế hoạch mời thầu này là 5 lô trong khu chức năng số 2a.

Báo cáo của JLL cũng cho biết, giá đất ở Thủ Thiêm đã tăng khoảng 30 đến 40% trong vòng 3 năm trở lại đây. Theo đánh giá của đơn vị tư vấn này, đây là mức tăng hợp lý, vì xuất phát điểm của giá đất tại Thủ Thiêm khá thấp, cơ sở hạ tầng của Thủ Thiêm đang dần hình thành và hoàn chỉnh. Nguyên nhân cuối cùng là hầu hết các dự án nhà ở mở bán tại Thủ Thiêm được hấp thụ tốt đã phản ánh nguồn cầu cao của thị trường và Thủ Thiêm là quỹ đất cuối cùng còn lại của thành phố với quy hoạch tổng thể tốt, vị trí vô cùng đắc địa bên sông Sài Gòn và tiếp giáp trực tiếp quận 1.

So với khu vực quận 1, giá đất Thủ Thiêm hiện nay chỉ bằng khoảng 1/3 và nếu so với các quận liền kề quận 1 như quận 3 và quận 4 thì giá đất khu vực này vẫn còn tương đối thấp. Do vậy, JLL lạc quan rằng giá đất này sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Đây sẽ là phần bù lợi ích cho những nhà đầu tư tiên phong vào Thủ Thiêm từ những giai đoạn đầu tiên do đã chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn.

Tuy vậy, hiện tại việc phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch do vấn đề đền bù đất đai phức tạp, điều kiện kinh tế biến đổi khôn lường và thâm hụt ngân sách.

Ước tính khoảng 62% trên tổng diện tích sàn (GFA trên mặt đất) vẫn chưa được tiến hành xây dựng do nhiều chủ đầu tư đang gặp vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính xin giấy phép đầu tư.

Thanh Thịnh
Share this Post :

Tài liệu


Địa điểm nổi bật