FLASH NEWS:

Các chuyên gia hoạch định hướng đi cho nhà ở xã hội

Theo số liệu chính thức mà Bộ Xây dựng thống kê được, từ nay đến năm 2020, để đáp ứng nhu cầu nhà ở tại các đô thị trong cả nước cần xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

cac-chuyen-gia-hoach-dinh-huong-di-cho-nha-o-xa-hoi

cac-chuyen-gia-hoach-dinh-huong-di-cho-nha-o-xa-hoi

Mặc dù nhu cầu của người dân lớn như vậy, nhưng việc triển khai các dự án nhà ở phục vụ cho nhóm đối tượng này vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng, câu chuyện nguồn vốn chính là khó khăn đầu tiên gặp phải khi hết hạn giải ngân gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Như vậy đã hơn 1,5 năm từ khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, dù có nhiều văn bản được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho gói vay mới ưu đãi dành cho nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội nhưng thực tế vẫn chưa có gói vay mới nào và câu chuyện chỉ dừng lại ở việc chờ đợi.

Sự ách tắc trên khiến nhiều doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở xã hội chỉ biết than trời khi rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng do không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Trong khi đó, sử dụng các khoản vay thương mại khó hăn hơn nhiều và mức lãi suất cũng cao hơn. Cũng vì không còn được hưởng lãi suất vay ưu đãi, không ít người mua nhà đành tạm gác giấc mơ an cư vì lo không thể trả nợ theo lãi suất thương mại.

cac-chuyen-gia-hoach-dinh-huong-di-cho-nha-o-xa-hoi

Nhìn lại tình hình thực tế năm 2017, rõ ràng sức vươn của phân khúc nhà ở xã hội đã kém đi khá nhiều do một số điều kiện, trong đó có việc chưa tìm được giải pháp đối với vốn ưu đãi ứng dụng cho phân khúc này. Cũng do vậy mà nguồn cung nhà ở xã hội càng khan hiếm, chủ yếu trông chờ sản phẩm từ các dự án cũ còn tồn đọng.

Tình hình cũng không mấy khả quan trong năm 2018 khi mà đến thời điểm hiện nay, thị trường chưa có thông tin nào về gói tín dụng ưu đãi tương tự gói 30 nghìn tỷ trước đây. Điều đó cũng có nghĩa, người trong diện mua nhà này lại tiếp tục đợi chờ sự xuất hiện của một gói vay ưu đãi mới.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, chúng ta không nên cứ "đắm đuối" mãi với nhà ở xã hội, thay vào đó hãy khuyến khích sự phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê. Bởi lẽ, nhà ở xã hội là phân khúc mà Nhà nước phải bao cấp hoàn toàn, tham gia toàn bộ các khâu, từ duyệt dự án đến duyệt giá bán, duyệt khách mua… và việc bao cấp này là bất cập. Vì vậy, khi chưa tìm được giải pháp cho phân khúc nhà ở xã hội, cần linh hoạt chuyển hướng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung phát triển nhà thương mại giá rẻ.

cac-chuyen-gia-hoach-dinh-huong-di-cho-nha-o-xa-hoi

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích: Nên giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân hàng bằng cách dự trù một nguồn vốn khác. Định hướng hiện nay của Chính phủ có vẻ như đang xem huy động nguồn lực từ ngân hàng là chính, đồng thời khoản ngân sách để bù lỗ lãi suất cho ngân hàng được giao cho Bộ tài chính đảm nhiệm. Điều này đã khuyến khích các ngân hàng nghiêng sang cho vay ở phân khúc BĐS. "Nhưng tôi cho rằng đấy không phải là một giải pháp dài và lâu bền mà có thể còn gây bức xúc cho ngành ngân hàng, nhất là khi họ đang phải chịu nhiều áp lực về trả lãi suất cho người gửi tiền", ông Nghĩa nêu ý kiến.

Ông Nghĩa cũng đề xuất, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về cách thức huy động các nguồn lực khác từ xã hội để hỗ trợ cho người dân mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội. Một phương thức có thể áp dụng là hình thành một quỹ tài chính cho phân khúc nhà ở này. "Có thể khai thác vốn từ các nguồn khác nhau, kể cả từ vốn vay ODA, nguồn tài trợ hay tiết kiệm nhà ở. Và lựa chọn một tổ chức đứng lên xây dựng quỹ này mới có thể giải quyết được lâu dài", ông Nghĩa gợi ý.

cac-chuyen-gia-hoach-dinh-huong-di-cho-nha-o-xa-hoi

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định: "Năm 2018, phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp và thu nhập trung bình sẽ luôn trong tình trạng thiếu nguồn cung. Nếu như chúng ta không có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ và nâng cao cho phân khúc này phát triển thì đời sống của rất nhiều người dân đang có nhu cầu thực tại Hà Nội, Tp.HCM và các thành phố lớn khác còn chưa được giải quyết.

Bên cạnh đó, để BĐS phát triển thì trước hết vấn đề phát triển chính sách hỗ trợ là yếu tố rất quan trọng. Theo kinh nghiệm thực tế từ các nước phát triển, như Trung Quốc chẳng hạn họ đã phát triển hạ tầng bằng hình thức thu hút nguồn vốn BT và BOT. Khi có hạ tầng tốt và đồng bộ thì các dự án sẽ đi theo và phát triển theo, và khi đó mật độ dân số sẽ được phân bố đồng đều (không chỉ tập trung ở trung tâm các thành phố lớn hoặc trong nội thành mà có thể hình thành các cụm cư dân theo các hướng các trục đường như vành đai 3, vành đai 4, vành đai 5 hoặc các khu đô thị vệ tinh)."

Từ những phân tích trên, ông Nghĩa cho rằng để phát triển bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở xã hội nói riêng thì việc phát triển hạ tầng luôn cần đi trước một bước. Tương tự, cần phải có các cơ chế chính sách tiếp tục thu hút nguồn lực qua các dự án kêu gọi BT, BOT để phát triển và thu hút đầu tư, đây cũng là phương thức tạo ra sự phát triển bền vững.

Nhìn lại những phương án mà giới chuyên gia đề xuất, có thể thấy rằng dù áp dụng giải pháp nào đi nữa thì vấn đề cốt lõi vẫn là giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho đại bộ phận người dân. Nếu thực hiện được, dù là nhà ở xã hội hay nhà thương mại giá rẻ cũng đều là cơ hội để hàng triệu người dân có thể chạm đến giấc mơ an cư chính đáng của mình.

 

 
(Theo Enternews.vn)

 

Share this Post :
Cùng chủ đề: nhà ở xã hội,

Bài viết liên quan

Tài liệu


Địa điểm nổi bật