FLASH NEWS:

Đang có 8/10 dấu hiệu bong bóng bất động sản

Tại Diễn đàn “Bất động sản 2018: Cơ hội từ chính sách”, ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thị trường bất động sản đang có 8/10 dấu hiệu bong bóng.

8 dấu hiệu bong bóng được ông Chung nêu ra gồm: giao dịch, giá, số công trình khởi công, địa bàn triển khai, chủ thể tham gia thị trường bất động sản, quy mô và giá trị một dự án đều tăng, luồng tiền đổ vào bất động sản cũng tăng lên và truyền thông quan tâm nhiều hơn đến bất động sản.

Ông Chung nhận định: “Vậy chỉ còn 2 dấu hiệu tăng nữa là chúng ta sẽ lặp lại kịch bản khủng hoảng 2008-2009, đó là nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn doanh nghiệp nhà nước tăng. Tuy nhiên, hai nguồn này đang “kéo ngược” thị trường nên chúng ta vẫn có thể yên tâm. Chừng nào 2 nguồn này tăng thì nguy cơ bong bóng hoàn toàn có thể xảy ra”.

Cũng theo ông Chung, 2018 là tròn chu kì 10 năm 1 lần thị trường bất động sản quay vòng theo quy luật: phục hồi, tăng trưởng, suy thoái và khủng hoảng. “Từ năm 2011-2013, chúng ta nằm ở đáy khủng hoảng. Năm 2014, thị trường phục hồi. Giai đoạn 2015-2017, thị trường bắt đầu tăng trưởng. Năm 2018, thị trường sốt nóng. Năm 2019 là thời điểm cực kì nhạy cảm, có nguy cơ khủng hoảng”.

Ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

cho rằng thị trường bất động sản đang có 8/10 dấu hiệu bong bóng

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra nhiều nhận định về thị trường năm 2018. Theo ông Hà, thị trường bất động sản 2018 đã xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển ổn định. Thứ nhất, đó là sốt đất nền xảy ra trên diện rộng, đặc biệt tại 3 địa phương dự kiến sẽ trở thành đặc khu kinh tế là Phú Quốc, Vân Đồng, Bắc Vân Phong. Ngoài ra là một số khu vực của Tp.HCM và Hà Nội. Ông Hà nhấn mạnh, mặc dù cơn sốt này chưa lan sang các loại hình bất động sản khác như nhà chung cư, nhưng nếu không kiềm chế được thì sẽ gây bong bóng đất nền, tác động xấu tới thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế vĩ mô nói chung như đã xảy ra năm 2008-2009.

Thứ hai, việc dự kiến đề xuất đánh thuế tài sản, việc quản lý vận hành nhà chung cư không tốt để xảy ra cháy nổ, tranh chấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nhà chung cư nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

Thứ ba, tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn do những sửa đổi về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng như hạn chế tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, điều chỉnh hệ số rủi ro khi cho vay kinh doanh bất động sản. Do đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản sẽ giảm so với năm 2017. Điều này cũng tác động đến sự phát triển ổn định của thị trường.

Theo ông Hà, để thị trường 2018 có thể phát triển ổn định, ngăn chặn bong bóng thì các chính sách của nhà nước phải giữ sự ổn định như chính sách về đất đai, về quy hoạch, về nhà ở hay các chính sách về tín dụng, thuế. Bởi rõ ràng, thị trường bất động sản sẽ phải chịu nhiều tác động nếu các chính sách này thay đổi.

Ngoài ra, ông Hà cũng cho rằng, thị trường sẽ phát triển ổn định khi các quy hoạch đô thị được hoàn chỉnh, các cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển đô thị được triển khai đồng bộ như giao thông, trường học, nhà trẻ… Đặc biệt, các chủ thể liên quan đến thị trường bất động sản như các nhà đầu tư kinh doanh địa ốc, các nhà môi giới, các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải có trách nhiệm hơn với thị trường, tránh đầu tư theo phong trào, lướt sóng, đầu cơ, kích giá. Bởi thị trường bất động sản có phát triển ổn định thì đó mới chính là cơ hội và điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp phát triển.

Nhằm ổn định thị trường, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng để bảo đảm cân đối cung cầu, tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường.

Ngoài ra, Bộ cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và có các biện pháp kịp thời để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật làm tăng giá bất động sản bất hợp lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền và bong bóng bất động sản.

Ông Phấn nêu dẫn chứng cụ thể về các giải pháp của Bộ Xây dựng trước tình hình biến động giá đất nền vùng ven Tp.HCM và sân bay Long Thành: “Bộ Xây dựng đã ra văn bản đề nghị các địa phương trên phải triển khai một số giải pháp nhằm ổn định thị trường như công khai thông tin quy hoạch, công khai về tiến độ triển khai các dự án giao thông, các dự án hạ tầng và dự án bất động sản tại các khu vực trên, chấn chỉnh việc chia lô bán nền trái quy định”.

Với khu vực dự kiến trở thành đặc khu trong tương lai, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang yêu cầu thực hiện việc kiểm tra nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường và có biện pháp để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Thúy An

(Theo Enternews.vn)
Share this Post :

Bài viết liên quan

Tài liệu


Địa điểm nổi bật