FLASH NEWS:

Nhận định bất động sản cuối năm 2022 đầu năm 2023 chưa sáng cửa

Chuyên gia nhận định “bức tranh” bất động sản cuối năm 2022 và đầu năm 2023 chưa sáng sủa, bởi việc thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn vướng mắc.

Nguồn cung và cầu đều giảm mạnh

Tại tọa đàm “Dự báo thông tin thị trường bất động sản 2023" diễn ra ngày 24/11, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng “có vẻ suy thoái đang xâm nhập vào các thị trường, nhưng Việt Nam không suy thoái. Năm nay, Việt Nam tăng trưởng 8% và dự báo 6% trong năm tới, là mức rất cao của khu vực. Chúng ta có giảm tốc độ tăng trưởng nhưng không suy thoái”.

Về thị trường bất động sản, nhiều ý kiến nhận định thị trường đang suy thoái. Tuy nhiên, ông Lực cho rằng quý 4 “suy thoái kỹ thuật”. Để thị trường đi vào phát triển lành mạnh hơn thì cần có bước này.

“Hôm qua Bộ Tài chính có cuộc họp quan trọng, đích thân Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì, cùng với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, để cùng tìm ra giải pháp cho thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp hiện nay”, ông Lực nói.

Nhận định bất động sản cuối năm 2022 đầu năm 2023 chưa sáng cửa

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

Theo ông Lực, nền kinh tế thế giới đã phục hồi nhanh chóng trong năm 2021 khi tăng trưởng 6%. Đến năm 2022, đà tăng đã giảm nhẹ khi chỉ nhích lên 3%. Dự báo đến năm 2023 sẽ suy thoái nhẹ khi chỉ tăng trưởng ở mức 2,3 - 2,5%. Lạm phát đã tăng mạnh trong năm 2022 ở mức 8,8%, sau đó sẽ hạ nhiệt dần từ năm 2023 và xuống dần chỉ còn 6,5%.

“Nhiều người hỏi tôi đã qua đỉnh lạm phát hay chưa. Xin thưa, chúng ta đã và đang qua đỉnh lạm phát. Quý 4/2022 này chính là đỉnh của lạm phát toàn cầu, chỉ số CPI là 8,8% - con số quá cao. Năm tới thế giới sẽ có giảm lạm phát nhưng vẫn rất cao, khoảng 6%. Mục tiêu đang đặt ra là cần phấn đấu đưa mức lạm phát về mức 2,5%, và dự báo phải đến năm 2025 mới có thể hạ được xuống mức đó”, ông Lực nêu và cho hay đến tháng 12 Fed sẽ giảm lãi suất.

Về xu hướng sắp tới của lãi suất và tỷ giá, ông Lực cho rằng lãi suất và tỷ giá đi lên hay xuống phụ thuộc nhiều vào vấn đề lạm phát. Giá hàng hóa toàn cầu đã giảm, ngân hàng trung ương sẽ không còn tăng lãi suất mạnh như thời gian qua.

Tuy nhiên, ông Lực cũng khuyến cáo lãi suất đồng USD và nhiều ngoại tệ khác đều tăng, dẫn đến rủi ro về tỷ giá. Chi phí vay nợ, trả nợ tăng sẽ kéo theo rủi ro vỡ nợ tăng. Dòng vốn đầu tư thông minh sẽ quay về nơi ít rủi ro. Điều này đã dẫn đến việc có hiện tượng rút vốn khỏi thị trường mới nổi, thanh khoản căng hơn. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần cân nhắc tiêu dùng một cách kỹ lưỡng hơn (nhất là bằng vay nợ), đồng thời tìm kênh trú ẩn, an toàn nhiều hơn.

Nguồn cung và cầu đều giảm mạnh. Câu chuyện cấp phép, câu chuyện xin các dự án mới đều giảm. Trong khi đó giá đi ngang (có giảm nhẹ với đất nền hoặc tăng nhẹ với căn hộ...). Lượng giao dịch và khả năng hấp thụ cũng giảm mạnh, doanh thu sụt giảm. Tái cấu trúc, sàng lọc, M&A diễn ra. Tác động này lan sang cả các lĩnh vực khác khá rõ nét, ví dụ như chứng khoán, nguyên vật liệu, xây dựng…

Nguyên nhân của sự sụt giảm thị trường bất động sản

Nói về nguyên nhân chính của sự sụt giảm thị trường bất động sản thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực nêu 6 thành tố chi phối và tác động đến thị trường bất động sản đó là: Tài chính; quy hoạch và cơ sở hạ tầng; tính pháp lý; thông tin, dữ liệu, tính minh bạch; mối quan hệ cung - cầu và giá; kinh tế vĩ mô. Nếu chúng ta đánh giá nguyên nhân sụt giảm hay tăng mạnh thì cũng đều phải xoay quanh 6 thành tố này. Trong đó có những cái trước mắt và có cả những cái lâu dài. Hy vọng thị trường trong năm tới sẽ phục hồi dần.

Để làm được điều đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thứ nhất cần phải giải quyết các vấn đề về pháp lý. Thứ hai là gỡ nút thắt vốn (trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản). Thứ ba, phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản. Liệu có nên kích cầu hay không? Nhìn sang Trung Quốc, họ có những gói lớn để kích cầu như trợ cấp lãi suất, cho người dân vay tiền… Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, theo tôi cần phải suy nghĩ và bàn thêm.

Thứ tư, chúng ta phải kiểm soát rủi ro hệ thống, liên thông giữa tài chính, bất động sản hay các vấn đề khác. Tức là phải khéo khoanh vùng. Bất động sản là ngành chủ lực về vốn hóa, đứng thứ hai về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Cuối cùng, là cần tái cơ cấu và chuẩn bị nền tảng cho tương lai.

Cơ cấu nguồn vốn bất động sản trong 10 tháng đầu năm 2022: Tín dụng chiếm khoảng 70%, cổ phiếu khoảng 2%, vốn tự có khoảng 10%, TPDN khoảng 10%, vốn FDI khoảng 7% Cấu trúc vốn như trên chưa phản ánh sự phát triển bền vững của bất động sản.

"Theo tôi, cấu trúc vốn phải thay đổi. Cụ thể, hệ thống ngân hàng chỉ nên chiếm 50%. Như vậy, doanh nghiệp bất động sản mới không nghĩ nhiều đến vốn ngân hàng, không phụ thuộc vào vốn ngân hàng quá nhiều", TS. Cấn Văn Lực nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực, đối với doanh nghiệp bất động sản, cần cơ cấu, kiểm soát lại rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá. Cần có phương án xử lý việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm. Cần lại niềm tin thì phải giữ vững lời hứa trả nợ đúng hạn. Cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi. Hơn nữa, cần phải phục hồi xanh, tăng trưởng xanh. Hiện nay, bất động sản xanh đang là xu thế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản cần phải chuyển đổi số để kịp thời đón đầu xu hướng mới. Trong đó việc thích ứng để có thể quản lý thay đổi, quản lý rủi ro... là điều tất yếu.

Đồng thời, cần có phương án cụ thể, khả thi đối với trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2023 - 2024. Từ nay đến hết 2022 và 2023 sẽ cần phải vững tâm vượt khó để tạo nền tảng trong tương lai...

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định “bức tranh” bất động sản cuối năm 2022 và đầu năm 2023 chưa sáng sủa, bởi việc thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn vướng mắc. Nếu pháp lý được tháo gỡ cho các dự án bất động sản đang vướng mắc thì đây có thể là điểm sáng cho thị trường này.

Minh Thư

Share this Post :

Bài viết liên quan

Tài liệu


Địa điểm nổi bật