FLASH NEWS:

Vì sao Tân Hoàng Minh 'tháo chạy' khỏi khu đất vừa đấu giá 2,44 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm?

TapChiDuAn - Từng khẳng định sẽ xây một tòa nhà có tên là D’Billionaire bán cho giới siêu giàu ở lô đất 3-12 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM) nhưng chỉ 1 tháng sau khi trúng đấu giá, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bỏ cọc.

Từng khẳng định sẽ xây một tòa nhà có tên là D’Billionaire bán cho giới siêu giàu ở lô đất 3-12 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM) nhưng chỉ 1 tháng sau khi trúng đấu giá, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bỏ cọc.

Bỏ cọc do… hệ lụy không tốt

Tối 11/1, Tập đoàn Tân Hoàng Minh xác nhận ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã gửi “tâm thư” xin chấm dứt hợp đồng mua lô đất đấu giá mang ký hiệu 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đó, trong tâm thư đề ngày 10/1/2022 gửi đến Tổng Bí thư và lãnh đạo cao cấp ở trung ương và TPHCM, ông Đỗ Anh Dũng-Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 3-12 khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định pháp luật.

Ông Đỗ Anh Dũng (phải)-Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh (đơn vị sở hữu Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt-doanh nghiệp trúng đấu giá lô đất 3-12) nhận hoa chúc mừng từ Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình.

Theo đó, việc này là nhằm bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên... Đồng thời ông Dũng cũng gửi đến Tổng Bí thư và lãnh đạo cao cấp lời xin lỗi chân thành nhất.

Ông Dũng khẳng định sau khi đấu giá trúng, ông và Tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua.

Mặc dù, sau khi trúng đấu giá, Tập đoàn đã thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính để đảm bảo đóng tiền theo tiến độ và quy định trong hợp đồng đã ký kết với Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM. Đồng thời Tập đoàn đã lên phương án kinh doanh đầu tư mới phù hợp nhất để có hiệu quả, mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp, không đúng như kỳ vọng ban đầu, nhưng vẫn đảm bảo thu hồi vốn đầu tư.

Riêng về động cơ mua đấu giá lô đất với giá cao, ông Dũng cho rằng ông mong muốn góp sức nhỏ bé của mình để TPHCM có thêm động lực khắc phục khó khăn sau đại dịch. Vì vậy ông quyết tâm tham gia đấu giá với mong muốn vừa tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TPHCM, vừa xây dựng một công trình điểm nhấn đẹp văn minh hiện đại và góp phần cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị của Thủ Thiêm.

Cầu Thủ Thiêm nhìn từ Quận 1.

Từ đó, ông Dũng trả cao hơn công ty trả giá cao thứ nhì (là một công ty nước ngoài, trả 23.800 tỷ đồng) đến 700 tỷ đồng để lô đất đẹp nhất bán đảo Thủ Thiêm phải thuộc về doanh nghiệp trong nước là Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Trước đó, vào ngày 10/12/2021, Trung tâm dịch vụ Bán đấu giá tài sản TPHCM đã tổ chức phiên đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm với giá khởi điểm 5.300 tỷ đồng. Kết quả, TPHCM đã thu về 37.346 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lô đất mang ký hiệu 3-12 được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt ( công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) sau 70 lần trả giá và trúng thầu với gần 2,44 tỷ đồng/m2, gấp 8,3 lần giá khởi điểm. Lô đất này có mục đích sử dụng đất là đất ở tại đô thị, khu nhà ở chung cư hỗn hợp kết hợp chức năng thương mại dịch vụ, do nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Đến ngày 17/12, các công ty trúng đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại buổi đấu giá ngày 10/12 đã hoàn tất việc ký hợp đồng mua 4 lô đất này với các cơ quan chức năng của TPHCM. Theo đó, các hợp đồng được ký kết bởi 3 bên, gồm công ty trúng đấu giá, Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải nộp 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước. Trong 60 ngày tiếp theo, người trúng đấu giá phải thanh toán đủ số tiền còn lại.

Theo quy chế đấu giá, nếu Tân Hoàng Minh chấm dứt hợp đồng mua lô đất thì sẽ bị mất cọc gần 600 tỷ đồng. Công ty trả giá cao thứ nhì sẽ được mua lô đất với giá đã trả nếu vẫn có nhu cầu mua lô đất trên.

 

Chiêu thao túng thị trường?

Thời điểm ngay sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng thầu với gần 2,44 tỷ đồng/m2 ở lô đất 3-12 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhiều chuyên gia thông qua báo Tiền Phong đã bày tỏ lo ngại và đặt nghi vấn đây là chiêu thao túng thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nói rằng, việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm sẽ để lại nhiều hệ lụy. Cụ thể, kết quả cuộc đấu giá 4 lô đất nói trên bị đẩy lên mức quá cao so với giá trị thực, không có lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường. “Giá đất quá cao mới được xác lập sẽ có lợi cho các chủ đầu tư có dự án và đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng bất lợi cho các chủ đầu tư chưa nộp hoặc mới tạm nộp tiền sử dụng đất. Giá đất quá cao được xác lập sẽ tác động ngược trở lại khu vực trung tâm quận 1, có lợi cho các dự án siêu sang, tạo cảm giác về mức giá bán căn hộ quận 1 trên dưới 500 triệu đồng/m2 hiện nay trở thành bình thường”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA cũng nêu thực tế, sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm đã có một số chủ đầu tư bất động sản dừng bán hàng hoặc chấp nhận chịu phạt hợp đồng để “găm” hàng, nghe ngóng chờ cơ hội tăng giá. “Chúng tôi rất quan ngại về việc một số doanh nghiệp lợi dụng việc trúng đấu giá rất cao để xin định giá lại tài sản, nhất là tài sản thế chấp, rút ruột ngân hàng hoặc để làm sạch bảng cân đối tài chính. Kết quả đấu giá cũng có thể tác động tiêu cực đến tất cả phân khúc thị trường bất động sản, gây trở ngại rất lớn cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà, trước hết là mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp tại TPHCM”, ông Châu nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM cho biết, bản thân ông có tham dự buổi đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chủ trương của công ty trước khi tham dự đấu giá là trả gấp đôi so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, khi bước vào cuộc đấu giá thì ông choáng váng.

“Hoạt động đấu giá là công khai và minh bạch nhưng đối với góc độ doanh nghiệp bất động sản, mức giá trên 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm là khủng khiếp. Mức giá này chênh rất lớn với lô đất ngay bên cạnh. Những dự án bất động sản có đất đẹp tương đương gần đó cũng chỉ đang bán giá trên 100 triệu đồng/m2, cao nhất là 200 triệu đồng/m2. Việc trúng đấu giá này có thể tạo ra sự méo mó về giá đất và kéo các dự án và nhà đất xung quanh tăng lên”, vị này nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng nói: “Việc đưa ra giá cao như vậy sẽ tạo nhiều bất ổn cho thị trường. Các doanh nghiệp đang và sẽ triển khai dự án có thể sẽ phải đóng tiền sử dụng đất cho dự án cao hơn, từ đó giá bất động sản bị đẩy lên cao. Hơn nữa là dựa vào kết quả trúng đấu giá này, nhiều dự án trong khu vực giá chắc chắn sẽ cao hơn 10-15% trong thời gian ngắn tới. Thị trường bất động sản sẽ nóng sốt và nguy cơ xảy ra bong bóng”.

Hệ quả dễ thấy là sau vụ đấu giá đất khủng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, giá đất tại TPHCM lẫn cổ phiếu của hàng loạt công ty kinh doanh bất động sản bỗng nhiên tăng vọt, kéo theo nhiều hệ lụy cho thị trường và cả nhà đầu tư.

Trao đổi với PV Tiền Phong tối 11/1, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết, mọi việc đã kết thúc và việc đấu giá, sửa sai theo quy định của pháp luật. Ông Dũng cho biết, việc làm sai và sửa sai cũng là chuyện nên làm vì quyền lợi chung của xã hội. Ngoài ra, trước nhiều vấn đề xôn xao liên quan đến lý do Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất, ông Dũng cho biết, ông cũng không có tâm tư gì.

Ngọc Mai

Share this Post :

Bài viết liên quan

Tài liệu


Địa điểm nổi bật