FLASH NEWS:

Các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị sớm khai thông ách tắc dự án

Trong buổi gặp gỡ lãnh đạo chính quyền TP.HCM ngày 10/4 vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị thành phố sớm khai thông ách tắc loạt dự án.

Doanh nghiệp than khó vì bị ngâm hồ sơ

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, các cơ quan của thành phố và Trung ương sau khi rà soát hơn 150 dự án bất động sản trên địa bàn đã chấp thuận cho 124 dự án được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên Hiệp hội mong muốn UBND TP cho công bố danh mục 124 dự án này để các chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các sở, ngành, hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó cần khẩn trương xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra, vì quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp do chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai - bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết, công ty đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Đây chủ yếu là đất nông nghiệp, công ty tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không có nguồn gốc đất công. Trong đó, có một dự án quy mô 3.000 m2, đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 10/2017 và đã trình Sở Xây dựng duyệt quy hoạch 1/500, xem như gần về đích. Thế nhưng đến khi trình lên UBND TP.HCM từ tháng 12/2018 đến nay, Sở chưa trình hồ sơ dự án này lên UBND TP.HCM vì có vướng vào đất công. Khi công ty xác định lai lịch khu đất từ năm 2005 không vướng vào đất công, Sở Quy hoạch Kiến trúc vẫn yêu cầu phải có văn bản chính thức từ Sở Tài chính thì mới chấp thuận. “Hồ sơ đi lòng vòng, đến tay các sở nhưng họ quan ngại, sợ sai, ngâm đó không quyết. Cuối cùng chỉ có doanh nghiệp khổ”, bà Loan cho biết.

cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-kien-nghi-som-khai-thong-ach-tac-du-an
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại buổi gặp lãnh đạo TP.HCM ngày 10/4. Ảnh: Phước Thuần (TTO)

Chủ tịch Công ty Nam Long Nguyễn Xuân Quang đánh giá, tiến độ triển khai thủ tục pháp lý các dự án tại TP.HCM quá chậm, làm mất đi cơ hội vàng của thành phố. Các dự án đang ngưng trệ là nguyên nhân khiến cho nguồn cung ra thị trường ít ỏi, hệ quả là thiếu hụt hàng hóa, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, đẩy các nhà đầu tư ra khỏi thành phố, đến các tỉnh xa để tìm kiếm cơ hội hoạt động.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết, thủ tục thực hiện một dự án phải qua 5 bước tiêu tốn mất 4-5 năm. Chính sự trì trệ về thủ tục đã làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Nếu như vẫn cứ tái diễn, chính quyền thành phố đồng ý rồi nhưng lại hồi tố sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

TP.HCM sẽ tìm hướng giải quyết

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, bất động sản vốn là một trong những ngành đóng góp lớn cho tăng trưởng của thành phố. Nhưng với thực trạng hiện nay, dự thu thu ngân sách và tăng trưởng của nền kinh tế TP.HCM năm 2019 sẽ bị ảnh hưởng. Mức tăng trưởng của bất động sản ở quý 1/2019 thấp hơn so với cùng kỳ. "Hiện nay số lượng dự án giảm vì vướng quy định đất ở hợp pháp, chuyển mục đích sử dụng đất, thủ tục cấp vướng ở quy hoạch, quy định... vấn đề này không gỡ là sẽ không có dự án mới đưa ra thị trường", ông Tuấn nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận, hiện nay thành phố cũng gặp khó khăn vì những điểm sơ hở trong Luật, vốn nằm ngoài khả năng giải quyết của thành phố. Tuy nhiên, ông Tuyến cũng cho rằng, sai ở đâu thì phải sửa ở đó. "Nếu vì lo lắng và nghi ngờ mà ngưng lại hết thì không nên. Việc các doanh nghiệp chịu sự áp lực về phát triển là vấn đề chung nên thành phố rất quan tâm."


Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khuyên doanh nghiệp bất động sản đừng bi quan vì thị trường còn nhiều cơ hội. Ảnh minh họa: Phương Uyên

Ông Tuyến cũng thông tin thêm rằng, trong tổng số 124 dự án chậm tiến độ, những dự án nào đang thanh tra có kết luận sai phạm, công an đang thụ lý thì phải dừng lại, những dự án nào không rơi vào trường hợp trên thì thành phố sẽ làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai thực hiện đúng quy định. Thành phố cũng đang xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm rút ngắn thời gian thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng xuống 100 ngày (hiện nay đang là 360 ngày - PV).

Tại buổi gặp gỡ, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ những thiếu sót trong quá trình phê duyệt dự án. Đó là dự án bất động sản phải có quy trình cho từng công đoạn, trách nhiệm từ sở nào qua sở nào, đến quận huyện rồi quay trở lại UBND TP như thế nào... Thứ hai, từng cơ quan phải quy định cụ thể thời gian giải quyết là bao lâu. Trong khi hiện nay, từng sở ngành lại chưa có quy định thời gian giải quyết hồ sơ.

Ông Nhân đề nghị nên vẽ lại sơ đồ quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, để người dân và doanh nghiệp biết đường đi của hồ sơ và điểm tập kết cuối cùng. Cần có thời gian tối đa giải quyết hồ sơ, kể cả trường hợp ngoại lệ và phải công bố công khai việc này. Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo, trong phạm vi ngành, các sở phải thật sự giúp đỡ doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, tìm ra giải pháp cho doanh nghiệp. Không thể để tình trạng không nắm vững luật rồi ngâm hồ sơ để đó, dẫn đến gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Khẳng định cơ hội kinh doanh bất động sản tại TP.HCM vô cùng lớn, Bí thư Thành ủy khuyên doanh nghiệp đừng bi quan. “Ngắn hạn có khó khăn một chút nhưng dài hạn vẫn đầy tiềm năng. Bởi vì cứ 5 năm dân số tăng thêm 1 triệu người, lo chỗ ở cho 1 triệu người là thị trường vô cùng lớn. Bình quân 4 người là một gia đình thì 5 năm phải xây dựng 250 ngàn căn hộ, sản phẩm nhà ở. Tiếp đó, thu nhập đầu người hàng năm tăng lên; hiện nay thu nhập bình quân đầu người là 6.000 USD/năm. Như vậy, dân số tăng, thu nhập tăng thì cầu về nhà ở vô cùng lớn, đây là lĩnh vực mà doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền lo nhà cho người dân, sẽ có thu nhập rất tốt”, ông Nhân nói.

Phương Uyên

(Theo Enternews.vn)
Share this Post :

Bài viết liên quan

Tài liệu


Địa điểm nổi bật